Cách mạng Pháp Gilbert_du_Motier_de_La_Fayette

Hội nghị các đẳng cấp

Tháng 2 năm 1788, để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính, Louis XVI triệu tập Hội nghị quý tộc, lần đầu tiên kể từ năm 1626. Trong buổi họp, La Fayette đưa ra đề xuất về Hội nghị các đẳng cấp với những đại biểu thuộc ba giới: tăng lữ, quý tộc và bình dân. Năm 1789, sau khi đã được bầu vào Hội nghị các đẳng cấp, La Fayette cùng Thomas Jefferson soạn thảo bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền[54], trong đó nêu ra những quyền cơ bản nhất của con người: quyền tự do, sở hữu, tự vệ và chống lại áp bức[55][56].

Ngày 5 tháng 5 năm 1789, Hội nghị các đẳng cấp được triệu tập và La Fayette là đại biểu thuộc Đẳng cấp thứ hai với tư cách quý tộc vùng Auvergne-Rhône-Alpes. Khi vua Louis XVI vấp phải sự bất đồng từ phía các thành viên của Hội nghị, ông ra lệnh đóng cửa phòng họp của Đẳng cấp thứ ba, với đại bộ phận thành viên không thuộc về giới tăng lữ và quý tộc. Các nghị sĩ khi tới phòng họp bị sốc khi thấy phòng họp bị khóa và có binh lính canh giữ. Tuy nhiên, thay vì giải tán, họ tập trung tại căn phòng chơi tennis Jeu de Paume, nơi họ tuyên bố thành lập Quốc hội, rồi cùng tuyên thệ sẽ lập nên một hiến pháp mới cho nước Pháp[57]. Ngày 11 tháng 7, La Fayette đệ trình Quốc hội Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền mà ông đã chuẩn bị từ trước[58]. Khi tin tức về việc nhà vua thải hồi Bộ trưởng tài chính Jacques Necker loan ra, Camille Desmoulins tập hợp những đám đông nổi loạn được trang bị vũ khí. Để hưởng ứng, Quốc hội thông qua việc thành lập Vệ binh quốc gia, và bầu La Fayette làm Chỉ huy Vệ binh và Phó chủ tịch Quốc hội. Ngày hôm sau, 14 tháng 7, dân chúng công phá ngục Bastille. Ngày 15, Chủ tịch Quốc hội Jean Sylvain Bailly trở thành thị trưởng Paris, người đứng đầu Công xã. Cùng ngày, người ta bắt đầu cho phá bỏ ngục Bastille. Một chiếc chìa khóa của nhà tù nổi tiếng này đã được La Fayette gửi cho Washington, ngày nay trưng bày ở Mount Vernon[54][58][59].

Vệ binh quốc gia

La Fayette tại Fête de la Fédération, lễ hội kỷ niệm 1 năm ngày chiếm ngục Bastille

Nghe tin ngục Bastille bị chiếm, La Fayette vội vã quay về Paris. Khi ông bước lên ban công của tòa thị chính, trông thấy một đám đông đang đánh đập một tu sĩ, ông nhấc bổng đứa con trai của mình lên tuyên bố: "Tôi hân hạnh được giới thiệu con trai của tôi với các bạn." Với việc đám đông mất tập trung, vị tu sĩ được cứu thoát[60]. Trong một buổi mít tinh vài ngày sau đó, ông đề xuất dùng Vệ binh quốc gia để kiểm soát Công xã Paris. Cũng buổi gặp gỡ ấy, La Fayette mang theo một phù hiệu tam tài đỏ trắng và xanh – với hai màu đỏ, xanh của lá cờ Paris – không lâu sau đó đã trở thành màu của quốc kỳ Pháp[58][59].

Tham gia Quốc hội lập hiến, La Fayette khẩn khoản kêu gọi khoan dung tôn giáo, cho đại diện của nhân dân, cho việc thành lập tòa án có bồi thẩm đoàn, từng bước bãi bỏ chế độ nô lệ, tự do báo chí, hủy bỏ việc bắt giam tùy tiện cùng các tước vị quý tộc[56]. Các thành viên Quốc hội thảo luận về việc đưa ra phương thức phủ quyết, theo đó cho phép nhà vua bác bỏ các điều luật được Quốc hội thông qua. Thỏa thuận này tỏ ra hợp lý, cho tới khi vua Louis XVI từ chối thông qua bản Tuyên ngôn Nhân quyền. Ngày 5 tháng 10, dân chúng Paris phát hiện ra các lò bánh mỳ trống rỗng trên toàn thành phố, để phản đối và cũng là để phản ứng trước việc nhà vua từ chối phê chuẩn bản Tuyên ngôn, dân chúng Paris nổi dậy kéo tới Cung điện Versailles gây sức ép đòi hoàng gia cung cấp bột mỳ và buộc họ phải trở về thủ đô. Đêm đó, La Fayette tới đánh thức Louis XVI và thay thế hầu hết cận vệ hoàng gia bằng những Vệ binh quốc gia. Trong cơn hỗn loạn, đám cận vệ còn lại bị đám đông nổi dậy giết hại. La Fayette đưa hoàng gia lên ban công cung điện và gắng thuyết phục đám đông trật tự. Những người nổi dậy nhất quyết đưa nhà vua cùng hoàng gia về Paris. Ngày hôm sau, đám đông 60 ngàn người dẫn Louis XVI cùng toàn bộ hoàng tộc về Cung điện Tuileries[61][62].

Ngày 28 tháng 2 năm 1791, "Ngày của những con dao găm", La Fayette tới Vincennes ngăn chặn những người nổi loạn đang phá hoại Lâu đài Vincennes, cũng là một nhà ngục giống như Bastille. Cùng lúc đó, phe quý tộc, trang bị dao găm và súng lục, lo sợ cho vua Louis XVI có thể bị tấn công, đổ dồn về Cung điện Tuileries. La Fayette vội vã quay trở lại Paris tước vũ khí của phe quý tộc[63]. Sau khi đàn áp một cuộc bạo loạn khác vào tháng 4 năm 1791, La Fayette quyết định từ nhiệm nhưng không được chấp nhận và ông phải tiếp tục tại chức[59]. Ngày 20 tháng 6 năm 1791, Louis XVI cùng hoàng gia bỏ trốn nhưng bị bắt ở Varennes. Trên cương vị tổng tư lệnh Vệ binh quốc gia, La Fayette chịu trách nhiệm canh giữ hoàng gia. Mặc dù đã cố gắng ngăn chặn, nhưng việc để hoàng gia trốn thoát đã khiến La Fayette bị Georges Danton qui trách nhiệm, và trở thành kẻ phản bội trong mắt nhóm Maximilien Robespierre[64][65], họ gọi La Fayette là một tên bảo hoàng. Cũng sau việc hoàng gia chạy trốn, nhóm Feuillant tách ra khỏi Jacobin. La Fayette cùng Jean Sylvain Bailly bị xem như nhưng người bảo hoàng lập hiến thuộc nhóm Feuillant[66].

Ngày 17 tháng 7, trên quảng trường Champ-de-Mars, câu lạc bộ Jacobin tổ chức một buổi biểu tình với ý định phế truất nhà vua và tuyên bố nền cộng hòa. La Fayette, cùng với Bailly, đưa binh lính tới, ra lệnh cho đám đông giải tán. Những người biểu tình bất phục tùng, chế nhạo và tấn công bằng gạch đá. Lính vệ binh trả lời bằng những loạt súng bắn chỉ thiên. Tình trạng hỗn loạn bùng nổ khi từ trong đám đông, một viên đạn bắn về phía La Fayette. Bailly ra lệnh cho quân đội nổ súng. Khoảng 50 người đã thiệt mạng trong sự kiện được mang tên Cuộc thảm sát Champs de Mars. Đây cũng là dấu chấm hết cho sự liên minh giữa phái quân chủ lập hiến và những người cấp tiến như Jean-Paul MaratGeorges Danton. Jean Sylvain Bailly bị xử chém ngày 12 tháng 11 năm 1793 trên chính Champ-de-Mars, "địa điểm mà ông ta đã gây ra tội ác"[67]. Sau sự kiện trên, sự khích động ủng hộ bản hiến pháp gia tăng, La Fayette chấp nhận hợp tác với đối thủ của ông là Barnave để nó được thông qua. Kết quả là tài liệu này được nhà vua ký ngày 13 tháng 9, và La Fayette được ban tặng một thanh kiếm để thưởng cho công lao của ông trong việc này[66][68].

Bị kết tội và tù đày

Tháng 12 năm 1791, đứng trước cuộc chiến với Đế quốc Áo, La Fayette giữ vị trí chỉ huy ba đội quân miền Đông. Tình hình ở thủ đô Paris trở nên hỗn loạn khi phái Jacobin tiến hành các cuộc nổi dậy, giết hại đám lính cận vệ Thụy Sĩ của nhà vua và đình chỉ quyền lực triều đình[69]. La Fayette đưa ra tuyên bố hành độ của họ "không hợp hiến". Trả lời lại, phái Jacobin cho rằng La Fayette dính líu tới âm mưu trợ giúp Áo và Phổ tấn công nước Pháp[70]. Ngày 28 tháng 6, La Fayette quay về Paris, yêu cầu Quốc hội đặt phái Jacobin vào trình trạng ngoài vòng pháp luật và sử dụng Vệ binh quốc gia bảo vệ nền quân chủ[71]. Không được chấp thuận, La Fayette đưa binh lính của mình tới Tuileries để bảo vệ hoàng gia, nơi vừa bị những người nổi loạn tấn công vài tuần trước đó. Hoàng hậu Marie Antoinette lo ngại chính La Fayette, từ chối. La Fayette quay trở lại Metz trong khi nhóm Jacobin và Ủy ban Giám sát ngày càng lớn mạnh. Sau khi La Fayette khước từ lời mời trở thành Tổng thống để đổi lại việc ông từ bỏ nhà vua, phái Jacobin yêu cầu ông phải từ bỏ chức tổng tư lệnh Vệ binh quốc gia và quay về Paris. Galiot Mandat de Grancey thay thế vị trí của La Fayette một thời gian ngắn rồi bị sát hại vào 10 tháng 8 năm 1792. Sau những hành động ủng hộ và bảo vệ nhà vua, La Fayette bị buộc tội phản quốc và kết án vắng mặt ngày 19 tháng 8. Hiểu rằng nếu quay trở lại, ông sẽ bị chặt đầu nên ông quyết định lánh nạn ở Hoa Kỳ bằng cách chạy qua Anh theo ngả Hà Lan. Nhưng cuộc chạy trốn không thành công, La Fayette bị quân Áo bắt tại Cộng hòa Hà Lan rồi chịu tù đày ở Wesel, Vương quốc Phổ[72][73][74].

Tháng 9 năm 1792, giai đoạn đen tối nhất của Cách mạng Pháp, nhà cầm quyền trở nên ngày càng cực đoan, đưa khoảng 1.400 người ra xử tội và giết hại[75]. Adrienne, vợ của La Fayette bị binh lính trung thành với nhóm Jacobin bắt ngày 10 tháng 9 năm 1792 nhưng được thả sau đó. Georges, người con trai duy nhất của họ, cũng phải được gửi tới Hoa Kỳ để tránh bị hành quyết. Trong giai đoạn khó khăn đó, nhiều người vợ của những nhân vật đối nghịch với phe Jacobin phải ly dị để tránh cuộc khủng bố, nhưng Adrienne không làm như vậy, bà phải bán đi tài sản của gia đình, và nhờ Hoa Kỳ cấp hộ chiếu. Vì những lý do chính trị, quốc gia non trẻ này không thể đưa ra một trợ giúp chính thức nào. Dù vậy, họ đã hồi trả cho gia đình 24.424 đô la cho thời kỳ phục vụ quân sự của La Fayette, và cá nhân Washington cũng trợ giúp tài chính cho Adrienne[76]. Khi tình hình rối loạn ở Pháp gia tăng, Adrienne bị bắt lần thứ hai. Phe Jacobin muốn đưa bà lên đoạn đầu đài, giống như "bà, mẹ và chị" của bà. Tổng thống Hoa Kỳ James Monroe đã can thiệp và chính trị gia Gouverneur Morris tuyên bố cái chết của Adrienne sẽ làm tổn hại mối quan hệ giữa Pháp và Hoa Kỳ. Ngày 22 tháng 1 năm 1795, Adrienne được tự do[77][78]. Mặc dù nhờ James Monroe, toàn bộ gia đình La Fayette được công nhận là công dân Hoa Kỳ, nhưng Adrienne lại tới Wien tiếp kiến hoàng đế Franz II, thỉnh cầu được sống cùng La Fayette đang bị giam giữ[79]. Tuy không hòa hợp, nhưng chính Napoléon Bonaparte là người trả tự do cho La Fayette vào tháng 9 năm 1797 theo yêu cầu của Ban đốc chính, sau 5 năm bị tù đày[80]. Vẫn bị cấm trở về Pháp, La Fayette cùng gia đình sống lưu vong tại Holsten rồi Utrecht. Đến năm 1799, họ trở về lâu đài La Grange của mình ở Seine-et-Marne[81]. Khi trở về, La Fayette vì không muốn phục vụ trong quân đội của Napoléon nên từ bỏ nhiệm sở của mình[80].

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Gilbert_du_Motier_de_La_Fayette //nla.gov.au/anbd.aut-an35287742 http://www.boston.com/news/local/articles/2007/06/... http://books.google.com/books?id=0bQ7AAAAMAAJ&q=Th... http://books.google.com/books?id=A9SAEEJACNkC&dq=L... http://books.google.com/books?id=C7kYAAAAYAAJ&dq=L... http://books.google.com/books?id=FpmzBfo5dRgC&dq=%... http://books.google.com/books?id=HcgEAAAAYAAJ&pg=R... http://books.google.com/books?id=J777rlgcm9sC&dq=m... http://books.google.com/books?id=KY-dAAAACAAJ&dq=S... http://books.google.com/books?id=N7chHQAACAAJ&dq=O...